Rối loạn tiền đình là gì? Cùng tìm hiểu cách phòng tránh

Cập nhật 28/10/2022

Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến trong xã hội hiện đại với tỷ lệ người mắc có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ rối loạn tiền đình là gì và cách phòng tránh như thế nào. Bài viết dưới đây của Nano Đông trùng hạ thảo sẽ mang tới cho bạn đọc những kiến thức quý giá về căn bệnh này.

Tiền đình là gì?

Tiền đình là một bộ phận có cấu tạo phức tạp, nằm ở vị trí phía sau ốc tai hai bên. Chức năng chính của hệ thống tiền tình là kiểm soát thăng bằng, tư thế của cơ thể cùng một số cử động của mắt, đầu, thân mình. 

Vậy, rối loạn tiền đình là gì? Rối loạn tiền đình là bệnh lý khiến cơ thể bị mất thăng bằng mỗi khi thay đổi tư thế. Người bệnh gặp phải tình trạng hoa mắt, chóng mặt, quay cuồng, ù tai, buồn nôn, dáng đi loạng choạng, dễ té ngã. Đặc trưng của bệnh rối loạn tiền đình là rất dai dẳng, thường xuyên tái phát lại. Từ đó, làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng công việc và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

roi-loan-tien-dinh-la-gi
Tiền đình là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát thăng bằng của cơ thể

Dấu hiệu rối loạn tiền đình gồm những gì?

Bệnh rối loạn tiền đình gồm hai dạng là rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương. Trong đó, mỗi dạng sẽ có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau:

Rối loạn tiền đình ngoại biên

Đây là dạng rối loạn tiền đình phổ biến nhất. Biểu hiện lâm sàng là các cơn chóng mặt thoáng qua trong thời gian ngắn, thường xuất hiện khi người bệnh chuyển đổi tư thế từ nằm sang ngồi, ngồi sang đứng,… Trong trường hợp bị rối loạn tiền đình ngoại biên nặng thì người bệnh còn bị nôn ói kéo dài, giảm thính lực, ù tai, nặng đầu, rối loạn vận mạch khiến nhịp tim giảm, da tái xanh, đổ mồ hôi. Nghiêm trọng nhất là người bệnh dễ bị té ngã gây chấn thương nặng do mất khả năng kiểm soát thăng bằng.

Rối loạn tiền đình trung ương

Xuất hiện với những biểu hiện của tình trạng tổn thương hệ thống tiền đình. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng rối loạn tiền đình thường nhẹ như mệt mỏi, mất ngủ nên người bệnh có xu hướng chủ quan. Thời gian sau, người bệnh sẽ cảm thấy chóng mặt, choáng váng khi thay đổi tư thế, đi lại khó khăn. Thậm chí, có những người đang nằm còn không ngồi dậy nổi, buồn nôn, nôn dữ dội, thấy mọi vật xung quanh quay cuồng, đảo lộn.

Chóng mặt khi thay đổi tư thế là một dấu hiệu đặc trưng của rối loạn tiền đình

Những nguyên nhân rối loạn tiền đình bạn cần biết

Những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tiền đình ngoại biên là: Viêm dây thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, chứng chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV), bệnh Meniere (rối loạn thính lực), viêm mê nhĩ, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp, rò ngoại dịch, u dây thần kinh số 8,…. Bên cạnh đó, một số bệnh lý rối loạn chuyển hóa như suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết… cũng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn tiền đình.

Trong khi đó, một số nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình trung ương phổ biến nhất là chứng đau đầu Migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, u não,… Ngoài ra, rối loạn tiền đình trung ương cũng có thể xảy ra do tuổi tác, chấn thương dẫn tới mất máu nhiều, căng thẳng, stress, lạm dụng rượu, bia,…

Những nguyên nhân rối loạn tiền đình có liên quan mật thiết đến các tổn thương ở hệ thống não bộ và thần kinh

Những ai dễ bị rối loạn tiền đình?

Thông thường, rối loạn tiền đình là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, đối tượng mắc bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là ở người trưởng thành hay căng thẳng tâm lý.

Theo nhận định từ các chuyên gia y tế, những người làm công việc văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao. Điều này xuất phát từ môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên ở trong phòng kín, bật máy lạnh nên dễ bị co thắt động mạch, dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu. Ngoài ra, những người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với hóa chất độc hại… cũng dễ bị rối loạn tiền đình.

Một nhóm đối tượng khác cũng cần lưu ý là phụ nữ mang thai. Khi bị ốm nghén, thai phụ thường chán ăn dẫn tới việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, lâu ngày sẽ bị chóng mặt, choáng váng. Ngoài ra, việc thay đổi tâm sinh lý, lo lắng, mệt mỏi trong quá trình mang thai cũng ảnh hưởng xấu đến hệ thống tiền đình.

Những người làm công việc văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình tương đối cao

Cách phòng tránh rối loạn tiền đình hiệu quả

Để phòng tránh bệnh rối loạn tiền đình, các bạn nên giảm bớt áp lực công việc, cố gắng giữ tâm lý thoải mái, lạc quan. Đồng thời, tập thói quen ngồi làm việc đúng tư thế, thả lỏng cơ thể ít phút sau mỗi 1 – 2 tiếng làm việc liên tục. 

Bên cạnh đó, bạn nên tuân thủ một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý để giúp phòng tránh rối loạn tiền đình hiệu quả:

  • Tránh các loại thực phẩm chứa hàm lượng đường, muối, chất béo cao.
  • Hạn chế sử dụng đồ uống gây kích thích hệ thần kinh như rượu, bia, trà đặc, cà phê.
  • Bổ sung thực phẩm giàu axit folic như: Các loại đậu, gan, trứng, quả có múi (cam, quýt, bưởi, chanh,…).
  • Tăng cường tiêu thụ rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
  • Uống đủ nước (khoảng 1,5 – 2 lít mỗi ngày).
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, độc hại.
  • Hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc (từ 7 – 8 tiếng/ngày).
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.
  • Nói không với thuốc lá vì chúng gây tổn hại hệ thần kinh.
Giảm thiểu áp lực công việc và tuân thủ lối sống khoa học giúp phòng tránh rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình tuy không phải là căn bệnh quá nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc và đời sống của người bệnh. Hy vọng, những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ “Rối loạn tiền đình là gì”. Từ đó, có thêm kinh nghiệm trong việc phòng tránh căn bệnh phổ biến này.

Tham khảo thêm: [Giải đáp] Rối loạn tiền đình uống thuốc gì tốt nhất?

0/5 (0 Reviews)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Gọi ngay Gọi ngay
Zalo Zalo
Facebook Chat Facebook
Địa chỉ Tư vấn