Nội dung bài viết
Hiện nay, thiếu máu não là bệnh lý rất hay gặp nhưng thay vì được quan tâm, nó lại dễ dàng bị bỏ qua. Nếu để lâu, căn bệnh này sẽ khiến cuộc sống của người bệnh gặp nhiều bất tiện và có thể gây biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các bạn nên tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng thiếu máu não để từ đó tìm ra phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não hay thiểu năng tuần hoàn não là tình trạng suy giảm lượng máu lên não. Từ đó, làm giảm nguồn oxy và các chất dinh dưỡng cung cấp cho não. Tình trạng này khiến các tế bào thần kinh thiếu năng lượng để hoạt động một cách bình thường, gây ảnh hưởng xấu tới các hoạt động chức năng của não bộ.
Một số nguyên nhân thiếu máu não bạn cần biết
Có nhiều nguyên nhân khiến máu lưu thông lên não kém. Chẳng hạn như: bệnh mỡ máu, xơ vữa động mạch, tiểu đường, béo phì,… gây ra các mảng bám trong lòng mạch, khiến các mạch máu bị xơ cứng và hẹp lại làm giảm lưu thông máu. Các bệnh lý này cũng có nguy cơ hình thành cục máu đông, làm cản trở hoặc tắc nghẽn lưu thông máu đến não bộ.
Bệnh thiếu máu lên não thường gặp ở độ tuổi trung niên trở lên (ngoài 40 tuổi). Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt ở những người lao động trí óc thường xuyên gặp áp lực công việc.
Bên cạnh đó, các bạn cũng cần lưu ý: Chế độ ăn uống không hợp lý (tiêu thụ nhiều đường, chất béo, đồ ăn nhanh,…) sẽ dẫn đến tăng cholesterol máu, gây xơ vữa và hẹp mạch máu não. Ngoài ra, yếu tố ô nhiễm môi trường và lối sống thiếu khoa học (lười vận động, thức khuya, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia) cũng là nguyên nhân gây ra thiểu năng tuần hoàn não.
Các triệu chứng thiếu máu não thường gặp
Dù có chung một cơ chế gây bệnh là thiếu máu cung cấp cho não nhưng bệnh thiếu máu não có nhiều biểu hiện khác nhau như:
- Đau đầu kéo dài: là một trong những triệu chứng xuất hiện đầu tiên và rất hay gặp khi mắc bệnh (chiếm tỷ lệ khoảng 90%). Ban đầu chỉ là những cơn đau nhói ở một vùng. Sau đó, cơn đau lan tỏa khắp đầu, khiến người bệnh cảm thấy nặng đầu, khó chịu.
- Hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng khi thay đổi tư thế cũng là những triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu lên não (chiếm tỷ lệ trên 85%).
- Rối loạn giấc ngủ: khi bị thiếu máu não, người bệnh có nguy cơ cao bị rối loạn giấc ngủ với các biểu hiện: khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc, thức giấc nửa đêm không ngủ lại được. Tình trạng rối loạn giấc ngủ kéo dài khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức, đầu óc mơ hồ, khó tập trung.
- Suy giảm trí nhớ: đây là hệ quả tất yếu do tình trạng thiếu máu não kéo dài làm thoái hóa tế bào não, thoái hóa não, teo não.
- Tê bì, nhức mỏi chân tay: tình trạng thiếu máu lên não thường đi kèm với thiếu máu đến các chi. Người bệnh có cảm giác tê bì, nhức mỏi hoặc châm chích như kiến cắn khiến sinh hoạt hàng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiếu máu não có nguy hiểm không?
Tình trạng thiếu máu não kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến tai biến mạch máu não – một căn bệnh có thể để lại những di chứng nặng nề.
Tai biến mạch máu não là căn bệnh rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao thứ 3 (sau bệnh tim mạch và ung thư). Đồng thời, đứng hàng đầu về tỷ lệ gây tàn tật cho người bệnh. Trong số những người mắc bệnh, tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 20% – 30%, số người chống chọi được với bệnh khoảng 30% – 40%. Số còn lại là những người phải nằm liệt giường liệt chiếu, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc từ người thân.
Cách phòng ngừa thiếu máu não qua lời khuyên từ chuyên gia
Để phòng ngừa bệnh thiếu máu lên não, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống như sau:
- Duy trì chế độ ăn uống hợp lý: Hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều đường, nhiều muối. Đồng thời, tăng cường tiêu thụ rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, quả bơ, dầu ô liu, trứng).
- Tránh các chất gây hại cho não bộ: Rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá và các chất kích thích khác là tác nhân gây hại cho não và hệ thần kinh. Để phòng ngừa tình trạng thiếu máu lên não hiệu quả, các bạn nên tránh xa những thứ này.
- Tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên: Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện chức năng hệ tim mạch, tăng cường trao đổi chất và lưu thông máu. Các bạn nên lựa chọn bài tập và môn thể thao phù hợp với lứa tuổi. Người trẻ thì đá bóng, bơi lội, chơi cầu lông, bóng chuyền. Người già thì có thể đi bộ, đạp xe, chạy bộ nhẹ nhàng, tập yoga.
- Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử: Khi dùng điện thoại, máy tính, chúng ta thường ngồi lâu và chăm chú nhìn về một hướng. Lúc này, vùng cổ không được vận động nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu não.
- Khám sức khỏe định kỳ: Việc khám sức khỏe định kỳ là rất quan trọng, giúp chúng ta phát hiện kịp thời các yếu tố nguy cơ và bệnh lý liên quan (nếu có).
Một khi đã nắm được các nguyên nhân, triệu chứng thiếu máu não thì việc phòng ngừa là không hề khó. Điều quan trọng là chúng ta cần kiên trì tuân thủ lối sống và chế độ ăn uống khoa học. Hy vọng bài viết của Nano Đông trùng hạ thảo đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích.